• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn hấp dẫn

Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn được cảnh báo rủi ro cao, thì phân khúc bất động sản khu công nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng hơn và nhiều cổ phiếu còn ở mức định giá hấp dẫn.

- Đà giảm diễn ra trên diện rộng khiến thị trường “bay hơi” 24 điểm trong tuần qua, chỉ số VN-Index thủng mốc 1.460 điểm, mức giảm mạnh tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip và midcap. Diễn biến tiêu cực này liệu còn tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Kể từ sau tết, dù xuất hiện nhiều nhịp tăng hoặc giảm mạnh, nhưng nếu nhìn lại thì về cơ bản chỉ số thị trường VN-Index vẫn biến động theo chiều giằng co đi ngang trong khung 1.440 - 1.510 điểm, nếu mốc hỗ trợ tại 1.440 điểm chưa bị phá vỡ thì xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn được duy trì ở trong khung này.

Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều cổ phiếu cho tín hiệu tiêu cực, đặc biệt tại nhóm ngành Bất động sản và các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Đồng thời thực tế cho thấy, hiệu quả lướt sóng suốt thời gian qua là rất khó, nhà đầu tư đã phải đón nhận thua lỗ nhiều hơn khi mà chỉ số thực ra được nâng đỡ bởi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhiều sự kiện liên tiếp trong giai đoạn vừa qua đã tác động đến tâm lý và quyết định giao dịch của khách hàng. Nhiều tin đồn trước đó đã thành hiện thực đã vô tình tạo nên những tin đồn mới nóng sốt hơn và càng gây sự hoang mang gia tăng với nhà đầu tư.

Dòng tiền khi không còn mục tiêu bứt phá đã trở nên sợ hãi và làm bùng lên xu hướng bán tháo đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu bất động sản có liên quan.

Giao dịch của nhóm bất động sản hiện chiếm gần 20% tổng giao dịch thị trường vì vậy khi nhóm ngành này biến động sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều nhóm ngành khác.

Dù xu hướng hiện tại thị trường đã hấp dẫn hơn ở nhiều cổ phiếu nhưng sự phân hóa sắp tới sẽ ngày càng gia tăng đặc biệt là mối lo ngại với nhóm cổ phiếu liên quan bất động sản vẫn còn khá nặng nề. Thị trường có thể còn dao động vài phiên trước khi có diễn biến tích cực hơn trong tuần tới.

2121-chuyen-gia-chung-khoan-1
Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm vào các phiên giao dịch đầu tuần và hồi phục dần vào các phiên giao dịch cuối tuần khi chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.420 – 1.430 điểm.

Điểm tích cực nhất là chỉ báo tâm lý đã rơi vào vùng bi quan quá mức và dòng tiền vẫn đang phân hóa cho nên thị trường có thể sẽ sớm tạo đáy trong tuần giao dịch tới.

- Dù chuyển động như thế nào thì dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Đặc biệt, với các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa và năng lượng như dầu khí, phân bón, cao su, thủy sản, dệt may… đang có lợi thế hơn so với mặt bằng chung thị trường. Đây cũng là nhóm ghi nhận đà tăng khá mạnh kể từ đầu năm. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro đối với nhóm cổ phiếu “ăn theo” biến động giá hàng hoá ở giai đoạn này?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Khi mà chỉ số thị trường vẫn đang trong trạng thái giằng co thì sự phân hóa vẫn sẽ diễn ra, do vậy các nhóm ngành được hưởng lợi như Dầu khí, Phân Đạm, Hóa chất... nhìn chung sẽ có lợi thế hơn mặt bằng chung.

Ở thời điểm hiện tại, tôi đánh giá cơ hội và rủi ro với những cổ phiếu dạng này là khá cân bằng. Lưu ý rằng, thường thì việc tăng giá hàng hóa và nguyên liệu một cách đột biến sẽ không diễn ra bền vững và sớm hay muộn thì giá cả cũng sẽ ổn định trở lại, do đó nhà đầu tư tham gia cũng cần tính toán thời điểm hợp lý để có thể giữ được lợi nhuận tối ưu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

2207-chuyen-gia-chung-khoan-2
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường dù có sự biến động khá mạnh trong tuần qua nhưng giao dịch chung vẫn ở mức khá luôn trên 20 ngàn tỷ mỗi phiên trên sàn HOSE. Đặc biệt là ở những đợt giảm sâu luôn có dòng tiền lớn tham gia bắt đáy khá mạnh ở nhiều nhóm ngành. Điều này cho thấy dòng tiền luôn ở lại thị trường và tìm cơ hội liên tục.

Đối với nhóm cổ phiếu ăn theo sự biến động hàng hóa từ đầu năm thì đây là giai đoạn những doanh nghiệp này có thể tận dụng cơ hội tốt nhất từ biến động chính trị và dịch Covid mang lại. Lợi nhuận của những doanh nghiệp này là có thật và đây là giai đoạn kiếm lợi nhuận tốt nhất trong nhiều năm gần đây như nhóm ngành hóa chất, phân bón, thủy sản...

Tôi cho rằng giá những cổ phiếu hưởng lợi từ chu kỳ hàng hóa sẽ còn tiếp tục khả quan ít nhất đến hết quý II, tuy nhiên nhà đầu tư cũng biết chọn mặt gửi vàng những doanh nghiệp có tiềm năng và hưởng lợi thật sự.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Hiện nay, giá hàng hóa vẫn đang trong xu hướng tăng cho nên nhóm cổ phiếu hàng hóa vẫn được hưởng lợi và các nhà đầu tư vẫn có thể nên chú ý vào các nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên quan tâm đến các yếu tố tăng trưởng của doanh nghiệp, vì không phải các cổ phiếu hàng hóa sẽ hưởng lợi hoàn toàn, chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại hoặc sản xuất nguyên liệu đầu vào.

- Trong một diễn biến khác, nhóm bất động sản vẫn chưa chặn được đà giảm và vẫn đang xếp vào nhóm cổ phiếu có rủi ro cao, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này. Từ việc trái phiếu nhóm bất động sản luôn có lãi suất cao cho đến thị trường bất động sản nóng và yêu cầu các NHTM tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hạn chế vào các lĩnh vực đầu cơ. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng đây vẫn là nhóm cổ phiếu có nhiều tiềm năng và vẫn còn dư địa tăng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất. Quan điểm của các ông/bà đối với nhóm cổ phiếu này?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Tôi đã có nhiều lần cảnh báo rủi ro về việc tham gia đầu cơ cổ phiếu Bất động sản, cho tới thời điểm hiện tại, tôi vẫn duy trì quan điểm như vậy.

Thứ nhất, mặt bằng giá cổ phiếu doanh nghiệp Bất động sản hiện tại đa số vẫn đang cao hơn khá nhiều so với giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Thứ hai, những hành động thời gian qua của các cơ quan quản lý nhà nước là rất rõ ràng: minh bạch và lành mạnh hóa thị trường Bất động sản (dường như để tránh sự việc tiêu cực tương tự như Trung Quốc gần đây). Điều này chắc chắn sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành này trong thời gian không phải là ngắn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Cổ phiếu bất động sản đã có một chu kỳ tăng giá rất nhanh vào cuối năm vừa qua và hiện nay dù nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh trên 20% nhưng mặt bằng chung thị giá của nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn cao hơn năm ngoái từ 50 - 80%.

Nhiều cổ phiếu bất động sản hiện đang có thị giá vượt qua giá trị thật doanh nghiệp khá xa vì vậy nhà đầu tư cần chờ thêm thời gian trước khi tham gia trở lại nhóm này. Riêng phân khúc bất động sản khu công nghiệp thì có nhiều tiềm năng hơn và nhiều cổ phiếu vẫn còn ở mức định giá hấp dẫn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Các câu chuyện vừa qua đã tác động lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu bất động sản, trong bối cảnh tình trạng đầu cơ nóng bất động sản cũng có thể còn ảnh hưởng đến nhu cầu thật của thị trường này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nhóm bất động sản vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022 nhờ (1) Đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng (2) Môi trường lãi suất thấp (3) Kinh tế hồi phục sau giai đoạn Covid-19 và nhu cầu thật vẫn tăng cao (4) Cung bất động sản hồi phục nhờ gỡ nút thắt pháp lý ở nhiều dự án.

Do đó, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn và có tiềm lực tài chính mạnh vẫn được xem là những cổ phiếu tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, TTCK đang khó khăn và dòng tiền ngắn hạn đang phân hóa cho nên các nhà đầu tư nên chờ đợi sự dịch chuyển rõ ràng của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này.

- Có thể đây đang là giai đoạn khá nhạy cảm của thị trường khi phải chịu tác động từ nhiều tin tức tiêu cực. Trong khi đó, dòng tiền lại chưa có sự ổn định do vẫn xoay vòng nhanh giữa các nhóm ngành, khiến đà tăng của nhiều mã cổ phiếu không bền và phải chịu rủi ro T+. Vậy đâu là chiến lược hợp lý, theo các ông/bà? Nếu nhìn về cơ hội, đâu là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm?

2243-chuyen-gia-chung-khoan-3
Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Thực sự một tín hiệu khá tiêu cực mà tôi nhìn nhận những ngày qua, đó là sự suy yếu của dòng tiền ngắn hạn dưới tác động của nhiều yếu tố: địa chính trị, hiệu quả lướt sóng thấp, việc thanh lọc đội lái (nước trong quá thì không có cá), hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường như trước dịch.

Do vậy, nhà đầu tư chỉ nên chọn phương án tham gia 1 phần tỷ trọng vì đây không phải thị trường hấp dẫn để lướt sóng T+. Nên giải ngân ở vùng biên dưới của chỉ số gần 1.440 điểm và canh chốt lời ở vùng biên trên gần 1.510 điểm, danh mục ưu tiên các cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) nhằm đón đầu mùa báo cáo tài chính quý I đang được công bố.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đang có những biến động khó lường trước, tuy nhiên tôi cho rằng, thời gian tới sẽ dần ổn định và thu hút dòng tiền trở lại. Nhà đầu tư nên hạn chế dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu penny và đầu cơ và hướng sang nhiều hơn dòng cổ phiếu cơ bản để an toàn hơn.

Các nhóm ngành kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay vẫn nên ưu tiên nắm giữ vì những doanh nghiệp có thể đạt kỷ lục về lợi nhuận. Một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, có thể di chuyển chậm hơn nhưng đáng chú ý trong thời gian tới và dự báo sẽ thu hút dòng tiền mạnh hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng dòng tiền suy yếu đã khiến thị trường chưa thể xác lập xu hướng rõ ràng, nhưng dòng tiền vẫn chưa rút khỏi thị trường hoàn toàn và vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở từng nhóm cổ phiếu. Do đó, giai đoạn này, tôi cho rằng các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục và nên chú ý vào từng nhóm cổ phiếu, trong đó các nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm Chứng khoán, Hóa chất, Công nghệ và Bán lẻ. Đồng thời, các nhà đầu tư không cần bán hết toàn bộ danh mục vì cơ hội vẫn luôn luôn có.

Hoàng Anh/ĐTCK

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...