Lý giải cho việc sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một đợt sụt giảm mạnh. Điều này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: Việc VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử; khủng hoảng địa chính trị làm nền kinh tế thế giới vốn đã phục hồi yếu ớt lại tiếp tục bị đứt gãy; và quan trọng hơn cả là sự tăng mạnh của lạm phát và lãi suất.
Bài viết dưới đây nghiên cứu về các giai đoạn điều chỉnh mạnh của lãi suất và biến động của thị trường chứng khoán trong từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ cùng quý nhà đầu tư nhìn lại lịch sử các đợt tăng lãi suất mạnh từ 2005 đến nay và biến động của VN-Index trong từng giai đoạn. Trong đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm (Vietnam 10 year Government bond yield - GBY) được sử dụng làm biến số nghiên cứu so sánh với VN-Index.
1. Mối quan hệ của lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm và chỉ số VN-Index
Lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm và VN-Index (Nguồn: TCData, Investing.com) |
Hình trên cho thấy lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm trong giai đoạn 2000-2020 đã trải qua 4 đợt tăng giá mạnh (biểu hiện trong hình trên từ (1) đến (4)) và tất cả các lần tăng giá này đều tương ứng với một nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán. Cụ thể:
- (1) Lần thứ nhất diễn ra vào năm 2008 khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng hơn 8% từ 7,7% lên 16,1%, tương ứng Vnindex đã điều chỉnh 67% từ 1110 về 370 điểm.
- (2) Lần thứ nhất diễn ra vào năm 2009 khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng 3% từ 9,2% lên 12,2%, tương ứng Vnindex đã điều chỉnh 44% từ 580 về 320 điểm.
- (3) Lần thứ ba diễn ra vào năm 2018 khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng 1% từ 3,9% lên 4,7%, tương ứng Vnindex đã điều chỉnh 25% từ 1200 về 900 điểm.
- (4) Lần thứ tư diễn ra vào năm 2022 khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng 1% từ 1,7% lên 3,2%, tương ứng Vnindex đã điều chỉnh 18% từ 1.520 về 1.260 điểm.
Sự biến động này gần như diễn ra đồng pha. Tuy nhiên ở trong lần thứ 4, VN-Index đã đi ngang ở vùng đỉnh trong vòng 4 tháng (từ tháng 12/2021- tháng 3/2022) mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng mạnh từ đầu năm 2022, đây có thể coi là một dấu hiệu cho một sự sụt giảm nhanh và mạnh hơn sau đó.
Chúng tôi cũng dùng mô hình tương quan để đo lường mối quan hệ của lợi suất trái phiếu chính phủ và VN-Index, kết quả tại Hình 2 cho thấy mức độ tương quan cao với R2= 86%.
Điều này cho thấy 86% biến động của Vnindex có thể giải thích thông qua biến động của lợi suất trái phiếu chính phủ, và biến động này theo hướng ngược chiều.
Mối quan hệ tương quan giữa VN-Index và lợi suất trái phiếu chính phủ (Nguồn: TCData, Investing.com) |
2. Bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ và VN-index hiện tại
- Đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đang có xu hướng đi ngang trong giai đoạn đầu tháng 5/2022, cụ thể sau khi đạt mức cao nhất khoảng 3,2% vào ngày 21/4/2022 thì lợi suất trái phiếu chính phủ đã điều chỉnh nhẹ và đi ngang quanh 3% vào đầu tháng 5/2022. Tuy nhiên, lợi suất này có thể tăng thêm trong thời gian tới phụ thuộc vào các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam trước tình hình biến động trên thế giới.
- Cuối tháng 4/2022 VN-Index vừa trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh từ vùng giá 1.520 về vùng giá quanh 1.350 điểm tương ứng với mức P/E 15 lần, đây là vùng tương đối thấp trong lịch sử trong bối cảnh lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
Mặc dù có những lo ngại nhất định về giá cả hàng hóa tăng cao nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là sẽ chống chịu tốt, khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ việc các mặt hàng xuất khẩu tăng giá mạnh. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD với rất nhiều doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng giá hàng hóa như VHC, NKG, DPM...
3. Từ những nguyên cứu trên kết hợp với bối cảnh hiện tại, chúng ta rút ra một số kết luận sau:
- Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm có xu hướng biến động ngược chiều với Vn-Index, và Vn-Index thường điều chỉnh mạnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm tăng.
- VN-Index đã điều chỉnh mạnh về vùng tương đối thấp tương ứng P/E 15 lần vào cuối tháng 4/2022, bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 đang có xu hướng đi ngang, đây là một cơ hội tốt để tích lũy dần các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, định giá hấp dẫn và nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai với tỷ trọng hợp lý.
Trang Nhi (t/h)
Nguồn TCBS