• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến nghị mua cổ phiếu GIL với giá mục tiêu 94.300 đồng/cp

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV dự phóng doanh thu năm 2022 của GIL đạt 6.338 tỷ đồng với doanh thu mảng dệt may tăng trưởng 51,6% so với 2021 và lợi nhuận sau thuế 2022 đạt 429 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2021. Sau khi đánh giá triển vọng kinh doanh cùng các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu GIL với giá mục tiêu 94.300 đồng/cp, upside 47,6%.

CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE – Mã: GIL) là doanh nghiệp dệt may với 2 đối tác chủ yếu là Amazon và IKEA. Gilimex sản xuất các mặt hàng như: đồ dùng trong gia đình, túi xách, balo, đồ dùng ngoài trời, quần áo… Năm 2021, GIL đạt ghi nhận doanh thu đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 20,1% YoY. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 330 tỷ đồng, tăng 6,6% YoY. Mức tăng trưởng doanh thu có đóng góp đáng kể bởi việc gia tăng đơn hàng từ đối tác Amazon Robotics. Tuy nhiên KBSV cho rằng, mức tăng trưởng này vẫn ở mức khiêm tốn so với nội lực của công ty do quý 3/2021 doanh nghiệp bị trì hoãn sản xuất bởi ảnh hưởng của dịch COVID, khiến doanh thu quý này còn ở mức thấp.

3138-1

Khuyến nghị mua cổ phiếu GIL với giá mục tiêu 94.300 đồng/cp. Hình minh họa

Triển vọng lạc quan ngành dệt may trong năm 2022

Trong 2021, ngành dệt may phục hồi tích cực dù trải qua nhiều yếu tố khó khăn như dịch bệnh bùng phát vào quý 3 tại Việt Nam và giá cước vận tải tăng do thiếu container tại cảng. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2021 đạt 9,9% YoY với động lực từ (1) Mức nền thấp từ 2020; (2) Đơn hàng khả quan hơn từ các nhà bán lẻ thời trang. Năm 2022, KBSV tiếp tục đánh giá KHẢ QUAN đối với toàn ngành dệt may dựa trên các yếu tố sau:

Trong quý 3/2021, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh (đặc biệt tại các khu vực phía Nam) làm cản trở các doanh nghiệp dệt may trong việc thực hiện các đơn hàng. Năm 2022, với việc Vaccine đã được phủ rộng trên toàn quốc, KBSV cho rằng, các chuyền may và nhà máy sẽ trở lại hoạt động bình thường. Từ đó, các doanh nghiệp dệt may sẽ có tăng trưởng doanh thu nhờ mức công suất được phục hồi bình thường trở lại.

Theo Minimum-wage.org, mức lương tối thiểu cho công nhân dệt may tại Việt Nam trung bình ở mức 151$/tháng, rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc là 217$/tháng, nhưng đắt hơn một số quốc gia như Banladesh và Myanmar. Tuy nhiên, khả năng gia công của Việt Nam được đánh giá cao hơn về tốc độ, chất lượng và độ hoàn thiện. Vì vậy, các đơn hàng dệt may tại Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà bán lẻ lớn, các hãng thời trang nổi tiếng, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, do đó, giá trị đơn hàng cũng cao hơn so với các nước đối thủ. KBSV cho rằng, xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sẽ kéo dài trong trung và dài hạn và các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam sẽ hưởng lợi từ điều này.

Thu nhập tối thiểu/tháng các thị trường dệt may 2020 (USD/tháng)

3344-2

Nguồn: Minimum-wage.org

GIL chiếm hơn 50% tỷ trọng nhà cung cấp của Amazon Robotics. Sản phẩm nhập khẩu của Amazon Robotics là Fabric Pods Array – kệ chuyên dụng đựng hàng hóa để Amazon robots vận chuyển và sắp xếp trong các Sortable Fulfillment Center. Amzon Robotics cũng là khách hàng lớn nhất của GIL, chiếm khoảng 80% tỷ trọng doanh thu, IKEA và các đối tác khác chiếm khoảng 20% tỷ trọng còn lại.

Amazon là sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Theo MarketplacePulse, năm 2021, GMV ước tính của Amazon đạt 600 tỷ USD, CAGR trong 3 năm đạt 29,39%. Đi cùng với nhu cầu lớn và phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, Amazon đẩy mạnh đầu tư vào các fulfillment centers. Fulfillment center là trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon, là nơi hàng hóa được tập kết qua đơn đặt hàng của khách sau đó sẽ thực hiện công việc phân loại hàng, đóng gói và chuyển đến đơn vị vận chuyển trao tận tay người tiêu dùng. Theo MWPVL International, trong năm 2022, kế hoạch diện tích fulfillment centers của Amazon tăng 26%YoY, trong đó, diện tích Sortable Fulfillment Centers tăng 43,3%, từ 73,6 triệu feet năm 2021 lên 105,5 triệu feet năm 2022. Do đó, KBSV kì vọng doanh thu đến từ đối tác Amazon của GIL tăng trưởng mạnh nhờ tỷ lệ tăng trưởng mở mới Sortable Fulfillment Centers cao, cùng tăng trưởng công suất và phục hồi từ mức nền thấp của quý 2 và quý 3/2021 do ảnh hưởng của COVID.

Ngoài ra, năm 2021, GIL khánh thành nhà máy Long Khánh giai đoạn 1. Hiện tại, nhu cầu từ các đơn hàng đến từ Amazon luôn trong tình trạng vượt công suất của GIL. Để khắc phục tình trạng này, GIL đã chủ động đầu tư liên kết và nắm giữ cổ phần tại một số công ty cùng ngành như Dệt may Gia Định, Garmex Sài Gòn, Unimex Huế để các doanh nghiệp này thực hiện gia công đơn hàng cho GIL. Số chuyền may gia công bên ngoài của GIL tăng 41 chuyền năm 2020 lên 120 chuyền vào năm 2021. Theo quan sát của KBSV, trong đầu năm 2022, GIL và các công ty này tuyển dụng thêm khoảng 1000 nhân sự may (GIL: 250; May Gia Định: 300; Unimex Huế: 500). KBSV cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy công suất trong năm 2022 đang tăng lên, giúp GIL đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng lên từ Amazon.

Năm 2022, GIL dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu đến từ khu công nghiệp Phú Bài với diện tích 460,9ha. Khu công nghiệp Phú Bài nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km; cạnh sân bay quốc tế Phú Bài; nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam; cách cảng biển Chân Mây 40 km về phía Nam, cảng biển Thuận An 15 km về phía Bắc, là một trong những khu công nghiệp trọng điểm tại Huế. Hiện tại, khu công nghiệp Phú Bài đã hoàn thiện 80% các vấn đề pháp lý liên quan đến giải phóng mặt bằng. KBSV cho rằng, GIL có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ cuối quý 4/2022. Bên cạnh đó, GIL còn có kế hoạch thực hiện 2 dự án khác là KCN Gilimex Quảng Ngãi với diện tích dự kiến 730ha và Gilimex Vĩnh Long tuy nhiên hiện tại chưa có kế hoạch chi tiết.

Theo đó, KBSV đưa ra dự phóng cho GIL trong năm 2022, doanh thu đạt 6.338 tỷ đồng với doanh thu mảng dệt may tăng trưởng 51,6% YoY với động lực từ kế hoạch mở rộng diện tích fulfillment center của Amazon và mức nền doanh thu thấp của quý 2 và quý 3/2021 cùng với 46 tỷ đồng đóng góp từ mảng khu công nghiệp với kì vọng GIL bán được 50.000 m2 đất. KBSV ước tính thận trọng biên lợi nhuận gộp của mảng dệt may giảm 2,7% do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế 2022 đạt 429 tỷ đồng, tăng 30,4% YoY.

3458-1

Dự phóng KQKD 2022 -2023. Nguồn: KBSV

Sau khi đánh giá triển vọng kinh doanh cùng các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu GIL, giá mục tiêu đạt 94.300 VND/cp, upside 47,6% so với mức giá đóng cửa ngày 15/06/2022 dựa theo phương pháp SOTP, sử dụng chiết khấu dòng tiền DCF cho mảng dệt may và phương pháp RNAV đối với mảng khu công nghiệp.

KBSV hiện tại vẫn giữ quan điểm cùng định giá thận trọng đối với mảng khu công nghiệp. Do KCN Phú Bài tuy gần sân bay nhưng khá xa cảng nước sâu Chân Mây (40km), vì vậy có thể việc vận chuyển hàng hóa phải sử dụng thêm đường bộ gây tốn kém chi phí. KBSV cần thời gian quan sát và đánh giá thêm về tốc độ mở bán tại khu công nghiệp Phú Bài. Nếu tốc độ mở bán nhanh hơn, giá trị nội tại đến từ mảng khu công nghiệp có thể tăng lên.

3541-cp

Diễn biến giá cổ phiếu GIL thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 16/6, cổ phiếu GIL tăng 200 đồng lên mức 64.100 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt 638.100 đồng/cp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thiện Nhân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...