Grab sắp đóng cửa dịch vụ thương mại nhanh tại một thành phố ở Indonesia
Grab sẽ đóng cửa dịch vụ thương mại nhanh (quick commerce) GrabMart Kilat ở Bandung, Indonesia vào tháng tới, sau nửa năm đi vào hoạt động.
Grab sẽ đóng cửa dịch vụ thương mại nhanh (quick commerce) GrabMart Kilat ở Bandung, Indonesia vào tháng tới. Siêu ứng dụng của Đông Nam Á hiện có hai cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại thành phố đó, theo Tech in Asia.
Indonesia đang trên đà phát triển. Mới năm ngoái, Indonesia đạt được vị thế mới là quốc gia có thu nhập trên trung bình, dựa trên báo cáo xếp loại của World Bank. Tính đến tháng 7/2020, GNI bình quân đầu người của Indonesia ở mức 4.050 USD. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới cũng là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Đi đầu trong cuộc chuyển đổi kinh tế này là các công ty bản địa, cung cấp hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ cho hơn 270 triệu người dân Indonesia. Đáng chú ý, từng là nền kinh tế chủ yếu dựa vào của cải truyền thống như tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, Indonesia đang được thúc đẩy mạnh mẽ từ các công nghệ dịch vụ số.
Đại diện Grab nói với Tech in Asia rằng, quyết định này được đưa ra sau khi công ty phát hiện ra rằng người dùng của họ ở thành phố này thích lựa chọn hàng tạp hóa đa dạng hơn có thể được giao trong một giờ, hơn là việc có ít lựa chọn nhưng thời gian được giao chỉ ngắn bằng một nửa. Thay vào đó, Grab sẽ tập trung vào việc mở rộng thị trường GrabMart bên thứ ba.
“Chúng tôi tin rằng động thái này sẽ cung cấp cho người dùng Bandung nhiều lựa chọn hơn và trải nghiệm giao hàng tạp hóa tốt hơn, đồng thời cho phép chúng tôi tập trung vào việc mở rộng quy mô GrabMart Kilat ở Greater Jakarta, nơi chúng tôi tiếp tục nhận thấy việc ngày càng được nhiều người dùng chấp nhận”, người phát ngôn Grab cho biết.
Những khu vực nằm ngoài Jakarta có tiềm năng đáng kể hơn nhiều so với thủ đô. Nền kinh tế số tại các thành phố cấp hai và cấp ba được dự đoán tăng trưởng gấp 5 lần trong 5 năm tới, nhờ vào sự hỗ trợ của các startup chuyên về thương mại điện tử, cho vay và thanh toán số.
Theo ông Semuel Abrijani Pangerapan, Tổng Giám đốc Ứng dụng Công nghệ thông tin Indonesia, chính phủ hoàn toàn ủng hộ văn hóa khởi nghiệp và sẽ tiếp tục phát triển các chương trình, hoạt động nhằm lan tỏa startup đến các tỉnh khác ngoài Jakarta.
Người phát ngôn nói thêm rằng Grab nhận thấy nhiều tiềm năng trong lĩnh vực giao hàng tạp hóa ở Đông Nam Á và họ đã thử nghiệm nhiều mô hình giao hàng khác nhau ở các thành phố khác nhau để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất với từng thị trường.
Grab đã ra mắt GrabMart Kilat vào đầu năm nay tại Greater Jakarta và Bandung. Thông qua dịch vụ này, người dùng có thể đặt hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ được giao trong vòng 30 phút từ mạng lưới dark stores (một cửa hàng bán lẻ hoặc trung tâm phân phối chỉ dành riêng cho mua sắm trực tuyến) của công ty.
Mặc dù đã dừng hoạt động ở Bandung, Grab vẫn đang cung cấp dịch vụ tương tự ở khu vực Greater Jakarta. Grab hiện có 17 cửa hàng trong khu vực và có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai.
Theo một nghiên cứu, trong tổng số vốn đầu tư rót vào Đông Nam Á năm 2020, Indonesia chiếm thị phần lớn (2,7 tỷ USD). Dữ liệu của Hiệp hội Khởi nghiệp và Đầu tư mạo hiểm Indonesia chỉ ra tính đến tháng 9/2020, ít nhất 52 startup trong nước đã huy động thành công 1,9 tỷ USD. Những thống kê này cho thấy Indonesia là một trong các điểm đến đầu tư hứa hẹn nhất.
Trong một diễn biến mới cũng liên quan tới Grab, siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore này thông báo rằng họ đã mua và khởi chạy lại nền tảng F&B HungryGoWhere. Giá trị và những thông tin chi tiết về thương vụ này không được tiết lộ.
“HungryGoWhere là một thương hiệu được nhiều người Singapore yêu thích kể từ khi thành lập cách đây hơn một thập kỷ. Nhiều người đã rất buồn khi thấy công ty này ra đi. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và vui mừng khi mang lại di sản lâu đời của mình, đồng thời hướng đến việc nâng tầm HungryGoWhere lên một tầm cao mới với lần đổi thương hiệu này”. Cifer Ong, Giám đốc điều hành chiến lược và quan hệ đối tác của Grab Singapore cho biết.
Công ty F&B này có thể tận dụng cơ sở dữ liệu của Grab, bao gồm cả xu hướng đồ ăn và các địa điểm nổi tiếng ở Singapore. Grab cũng cho biết sẽ giúp các thương hiệu trên HungryGoWhere tăng khả năng hiển thị bằng cách giới thiệu câu chuyện của họ trên ứng dụng Grab và các kênh tiếp thị khác.
Được thành lập vào năm 2006, HungryGoWhere là một trong những nền tảng đánh giá đồ ăn và nhà hàng nổi tiếng nhất của Singapore. Công ty sau đó đã được mua lại bởi gã khổng lồ viễn thông Singtel vào năm 2012. Tuy nhiên, nền tảng này đã phải vật lộn để tồn tại trước khi tuyên bố đóng cửa vào tháng 7/2021.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.
Thuận An